Thức ăn hàng ngày bao gồm các chất sinh năng lượng như tinh bột, đạm, mỡ. Ngoài ra, còn có các chất không sinh năng lượng như vitamin và muối khoáng hay khoáng chất. Cơ thể của chúng ta cần muối khoáng để tồn tại, chúng được chia thành hai loại đại lượng và vi lượng. Các khoáng chất đại lượng thường được đo lường bằng xét nghiệm máu như natri, clorua, kali, magiê, canxi và phốt pho… Các khoáng chất vi lượng không dễ dàng đo được như crôm, đồng, iốt, sắt, mangan, molybden, selen và kẽm... Khoáng chất cũng tham gia vào cấu tạo tế bào, tham gia các hoạt động sống và đặc biệt quan trọng trong việc cân bằng các chất lỏng, duy trì sự phát triển của răng, xương, cơ cũng như hỗ trợ cho chức năng của hệ thần kinh. Đây cũng là những chất mà cơ thể không tự sản xuất ra được. Chất khoáng được cung cấp chủ yếu qua đường ăn uống. Một chế độ ăn khoa học đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo được sức khỏe.
Vì sao chất khoáng quan trọng ?
Các khoáng chất cần thiết cho hàng trăm quá trình enzym quan trọng cho cơ thể, tham gia chuyển hóa, và cho các chức năng bình thường. Tuy nhiên, ngộ độc muối khoáng có thể xảy ra nếu chúng được tích tụ nhiều trong cơ thể, nhất là các kim loại nặng. Sự tích tụ kim loại quá mức sẽ làm suy yếu các tiến trình tế bào và gây ra bệnh tật. Bao gồm: nhôm, antimon, arsenic, cadmium, chì và thủy ngân và một vài loại khác.
Thông thường cơ thể có khả năng thải loại chúng ra ngoài thông qua mồ hôi, nước tiểu, hoặc phân. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc lâu dài hoặc chức năng miễn dịch và khả năng thanh lọc của cơ thể hoạt động kém hiệu quả thì triệu chứng ngộ độc khoáng chất sẽ xuất hiện.
Cơ thể con người đòi hỏi hàm lượng riêng biệt của từng khoáng chất khác nhau để đảm bảo sức khỏe. Lượng dùng từng loại cụ thể được đưa ra trong nhu cầu dinh dưỡng đề nghị (Recommended Dietary Allowance – RDA).
RDA là mức trung bình đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khoảng 97% người khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung từ thực phẩm ăn uống hay sản phẩm bổ sung.
Sự thiếu hụt chất khoáng thường xuất hiện chậm từ từ theo thời gian và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong các vấn đề phổ biến là do nhu cầu khoáng chất tăng lên, thiếu chất khoáng trong chế độ ăn uống hoặc khó hấp thụ khoáng chất từ thực phẩm.
Canxi
Canxi cần thiết cho việc duy trì xương và răng chắc khỏe. Một chế độ ăn uống với một lượng Canxi vừa đủ sẽ cực kỳ tốt. Canxi được tìm thấy với số lượng lớn trong sữa tươi, phô mai, sữa chua, trong các loại hạt, rau xanh và các thực phẩm như ngũ cốc. Bổ sung Canxi nhiều trong các bữa ăn là lời khuyên dành cho một số người, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
Magie
Magie cần thiết cho chức năng tiêu hóa trong cơ thể, bao gồm các cơ co thắt và xung thần kinh, Magie cần thiết trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp và duy trì xương chắc khỏe.
Thiếu Magie thường rất ít gặp, việc nạp không đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể có thể gây thiếu Magie ở mức độ nhẹ cho một số người. Các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh Crohn và bệnh Celiac, lạm dụng rượu bia và bệnh tiểu đường cũng có thể gây thiếu magie.
Magie được tìm thấy chủ yếu trong các loại hạt, ngũ cốc và rau xanh có màu đậm. Ngoài ra, trong sữa chua, cá hồi, chuối và khoai tây cũng chứa Magie nhưng hàm lượng ít hơn.
Kali
Kali là chất khoáng rất cần thiết cho hệ thần kinh trung ương, các cơ, duy trì nhịp tim được hoạt động bình thường. Nếu nồng độ Kali thấp có thể dẫn đến trình trạng rối loạn nhịp tim và gây nguy hiểm. Nồng độ Kali quá cao cũng sẽ gây ra bất ổn trong nhịp tim. Các thực phẩm giàu Kali như trái cây và rau củ quả như chuối và khoai tây và các loại đậu, sữa, hạt và thịt.
Photpho
Photpho rất quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của tế bào sẽ hoạt động bình thường và sự phát triển của xương. Cùng với sự hỗ trợ của các vitamin B tổng hợp, nó sẽ chuyển đổi các loại thực phẩm bạn ăn thành năng lượng để duy trì hoạt động cho cơ thể hằng ngày. Bổ sung Photpho bằng các thực phẩm có nhiều protein như thịt, các loại hạt và các loại đậu.
Natri
Natri cùng với Clorua sẽ giúp cân bằng các chất lỏng bên ngoài các tế bào. Việc điều chỉnh huyết áp có thể được điều chỉnh bằng lượng natri trong cơ thể. Natri có nhiều trong muối ăn và một số loại thực phẩm khác mà trong quá trình chế biến sẽ chứa muối hoặc các chất bảo quản bằng natri.
6 loại khoáng chất được liệt kê ở trên đều quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của cơ thể, từ các co thắt trong cơ bắp và tim đến cân bằng chất lỏng và các chức năng của hệ thống thần kinh.
Sắt (Fe)
Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin có mặt trong các tế bào hồng cầu. Sắt có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các tế bào trong cơ thể. Sắt cũng là thành phần cấu tạo một số loại enzyme đóng vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng. Việc thiếu sắt có thể khiến cho cơ thể mỏi mệt, thiếu máu, suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung. Đặc biệt với trẻ nhỏ tình trạng thiếu máu có thể dẫn đến suy tim rất nguy hiểm.
Kẽm (Zn)
Kẽm tham gia vào cấu tạo các enzyme, ngăn ngừa mỡ hóa gan. Vai trò của kẽm trong cơ thể con người cũng quan trọng không kém gì vai trò của sắt. Kẽm cũng tham gia vào chức năng tạo máu, chuyển hóa và điều hòa lượng lipid trong cơ thể…Mặc dù kẽm là một trong những kim loại nặng có thể gây hại cho sức khoẻ nếu hấp thụ quá nhiều. Nhưng thiếu kẽm gây ra các triệu chứng thường gặp như: chán ăn, chậm phát triển. Nếu tình trạng thiếu kẽm nặng dẫn đến hiện tượng nôn không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Thậm chí gây chậm tăng trưởng, rụng tóc, suy giảm miễn dịch, tiêu chảy…
Selen (Se)
Selen là một phần của enzyme glutathione peroxidase, nó chuyển hóa hydroperoxide từ các đa axit béo không bão hòa. Selen cũng là một phần của các enzyme khử i-ốt hormone tuyến giáp. Nói chung, selen hoạt động như một chất chống oxy hoá cùng với vitamin E. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy liên quan giữa mức độ selen thấp với bệnh ung thư. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bổ sung selen đã không ngăn ngừa u tuyến đại trực tràng trong tương lai ở những bệnh nhân đã cắt bỏ u tuyến đại trực tràng .
Hậu quả của cơ thể thiếu khoáng chất
Mặc dù chỉ cần một số lượng khiêm tốn khoáng chất, nhưng thiếu chúng cơ thể trở nên suy yếu, kém hoạt động:
- Suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị cảm, cúm, nhiễm trùng.
- Cao huyết áp.
- Giòn xương, xương yếu, còi xương, teo xương.
- Đau nhức bắp thịt, xương khớp.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Dễ thiếu máu, choáng váng, ngất xỉu.
- Dễ mắc trầm cảm, lo âu.